CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Thực hiện khẩn trương, đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Invest Global 14:47 03/06/2024

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, thách thức đối với quá trình phục hồi kinh tế trong thời gian tới là cầu tiêu dùng còn yếu. Do đó, Chính phủ và Quốc hội cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: thúc đẩy tiêu dùng; tháo gỡ các khó khăn cho thị trường bất động sản; phát triển thị trường vốn, cùng với hỗ trợ thông qua các chính sách giảm thuế, phí phù hợp… sẽ giúp đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

(TBTCO) - Trao đổi với phóng viên TBTCVN, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, thách thức đối với quá trình phục hồi kinh tế trong thời gian tới là cầu tiêu dùng còn yếu. Do đó, Chính phủ và Quốc hội cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: thúc đẩy tiêu dùng; tháo gỡ các khó khăn cho thị trường bất động sản; phát triển thị trường vốn, cùng với hỗ trợ thông qua các chính sách giảm thuế, phí phù hợp… sẽ giúp đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

Thực hiện khẩn trương, đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Nền kinh tế Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2024 đang trong xu thế phục hồi tích cực. Ảnh tư liệu

PV: Ông đánh giá thế nào về bức tranh kinh tế Việt Nam 5 tháng đầu năm 2024?

Thực hiện khẩn trương, đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

TS. Nguyễn Đức Độ: Về tổng thể, các số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, nền kinh tế Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2024 vẫn đang trong xu thế phục hồi tương đối tích cực. Tuy nhiên, có thể thấy rằng quá trình phục hồi của nền kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi trong 5 tháng đầu năm nay số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đạt tới 97.300 doanh nghiệp, tăng 10,5% và gần tương đương số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 98.800 doanh nghiệp. Việc chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn giảm ở 8 tỉnh cũng cho thấy sự phục hồi kinh tế không đồng đều giữa các địa phương trên cả nước. Ngoài ra, tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 5 tháng chỉ đạt mức 5,2% sau khi loại trừ yếu tố giá (thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2024 là 5,7%) cho thấy cầu tiêu dùng vẫn còn yếu.

Về ổn định vĩ mô có thể thấy rằng, mặc dù lạm phát so với cùng kỳ trong tháng 5/2024 đạt 4,44% và lạm phát trung bình 5 tháng đầu năm 2024 đạt 4,03% là khá cao, nhưng nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của việc tăng giá dịch vụ nhà nước quản lý trong giai đoạn nửa cuối năm 2023. Trên thực tế, việc CPI trong năm tháng đầu năm 2024 chỉ tăng 1,24% (trung bình 0,25%/tháng) cho thấy tốc độ tăng giá cả chỉ ở mức vừa phải. Điều này cũng được thể hiện qua việc lạm phát cơ bản so với cùng kỳ chỉ ở mức 2,78%. Với tốc độ tăng CPI trong tháng 4 và 5/2024 chỉ ở mức 0,07% và 0,05%, nhiều khả năng lạm phát trung bình cả năm sẽ chỉ ở mức 3 - 3,5%.

PV: Từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính tiếp tục chủ động đề xuất nhiều gói tài khóa để Chính phủ, Quốc hội ban hành, đặc biệt chính sách giảm thuế đã kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Ông nhìn nhận thế nào về kết quả này?

TS. Nguyễn Đức Độ: Hiện nay, dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều khi lãi suất trên thế giới vẫn ở mức cao, đồng thời tỷ lệ tín dụng/GDP tại Việt Nam cũng đã ở mức cao và nợ xấu có xu hướng gia tăng. Trong bối cảnh đó, việc Bộ Tài chính chủ động đề xuất các gói hỗ trợ để phát huy vai trò của chính sách tài khóa là rất cần thiết và kịp thời.

Các chính sách giảm thuế, phí sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp giảm bớt chi phí từ đó có thêm nguồn lực để trả nợ, đầu tư. Trong khi đó, việc tăng đầu tư công sẽ giúp cải thiện tổng cầu trong lĩnh vực xây dựng, từ đó có tác động lan tỏa đến các ngành như bất động sản, sản xuất vật liệu, đồ nội thất…

Tốc độ giải ngân đầu tư công thời gian qua đang có những cải thiện tích cực đã và đang hỗ trợ cho sự phục hồi của nền kinh tế.

PV: Dự báo trong những tháng cuối năm tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường ảnh hưởng đến kinh tế trong nước. Theo ông, cần có những giải pháp gì để gia tăng hiệu quả thực thi chính sách, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2024?

TS. Nguyễn Đức Độ: Trong quý I/2024 kinh tế Mỹ đã tăng trưởng chậm lại, chỉ ở mức 1,6%, còn kinh tế Trung Quốc, mặc dù có dấu hiệu phục hồi (GDP quý I/2024 tăng 5,3%), nhưng được IMF dự báo chỉ tăng trưởng 5% trong cả năm 2024. Ngoài ra, nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong giai đoạn cuối năm 2024 vẫn chưa được loại trừ, khi lãi suất vẫn đang được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì ở mức cao. Đó là chưa kể Trung Quốc hiện nay đang ở trạng thái dư thừa công suất trong nhiều lĩnh vực.

Các nhân tố này sẽ đặt ra rất nhiều thách thức đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn cuối năm. Vì vậy, Chính phủ cần có kịch bản cho việc xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng trưởng chậm lại trong thời gian tới, từ đó chuẩn bị các giải pháp hỗ trợ về lãi suất, thuế, phí, giãn nợ, trợ cấp thất nghiệp… để giúp các doanh nghiệp xuất khẩu duy trì việc làm cho người lao động.

Thách thức thứ hai đối với quá trình phục hồi kinh tế trong thời gian tới là cầu tiêu dùng còn yếu. Sau giai đoạn tăng trưởng thấp 2020-2023, người dân có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn để đề phòng bất trắc. Do đó, nhằm tăng thu nhập khả dụng cũng như chi tiêu dùng, Chính phủ và Quốc hội cần tính tới việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh sớm khi áp dụng thuế thu nhập cá nhân, mặc dù CPI chưa tăng 20% theo quy định. Việc thúc đẩy tiêu dùng trong giai đoạn hiện nay sẽ giúp các doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho, cải thiện cầu đầu tư và tín dụng.

Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế, việc tháo gỡ các khó khăn cho thị trường bất động sản cần được đẩy mạnh hơn nữa. Trước tiên là tiếp tục rà soát, tháo gỡ các khó khăn về pháp lý cho các doanh nghiệp bất động sản, thúc đẩy việc hoàn thiện các dự án dở dang, tăng doanh thu và khả năng thanh toán cho các doanh nghiệp.

Tiếp theo, cần có các giải pháp thúc đẩy thị trường vốn phát triển, bao gồm cả thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường cổ phiếu. Việc huy động vốn mới, thậm chí cơ cấu nợ cũ, trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay tương đối khó khăn do lòng tin của các nhà đầu tư bị sụt giảm. Tuy nhiên, các biện pháp tăng cường công khai, minh bạch về thông tin, định giá, các cơ chế bảo lãnh phát hành và thanh toán phù hợp có thể giúp thị trường này từng bước phục hồi. Phát hành cổ phiếu cũng là giải pháp tăng vốn cần thiết cho các doanh nghiệp bất động sản và Nhà nước có thể hỗ trợ thông qua các chính sách giảm thuế, phí phù hợp.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ý kiến chuyên gia