CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Tín dụng chính sách: Đòn bẩy phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số | Báo Công Thương

Invest Global 14:49 13/11/2023

Đây là chia sẻ của ông Phan Hồng Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ủy ban Dân tộc về vấn đề chính sách tín dụng ưu đãi cho người nghèo và đối tượng chính sách.

Xin ông cho biết những nét cơ bản nhất về vai trò của tín dụng chính sách đối với việc giảm nghèo?

Tín dụng chính sách là một hình thức tín dụng đặc biệt, đặc biệt ở chỗ phi lợi nhuận; nguồn tín dụng chính sách này đến từ ngân sách nhà nước là chính; hơn thế, thủ tục để tiếp cận với nguồn vốn mang tính chất ưu đãi cho những đối tượng yếu thế trong xã hội, thủ tục đơn giản, lãi suất ưu đãi so với ngân hàng thương mại.

Tín dụng chính sách: Đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi Ông Phan Hồng Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ủy ban Dân tộc

Những năm qua, tín dụng chính sách đã phát huy được vai trò quan trọng của mình, đó là đòn bẩy kinh tế vùng dân tộc thiểu số miền núi. Điều này thể hiện ở những điểm chính: Đây là công cụ chính sách của Đảng, Nhà nước để người dân tiếp cận được nguồn vốn và mang lại hiệu quả to lớn trong suốt 2 thập niên vừa qua; giúp người nghèo - đối tượng yếu thế trong xã hội tiếp cận được nguồn tín dụng, tránh được bẫy tín dụng đen.

Với chính sách tương đối rộng và phủ khắp, từ tín dụng cho người nghèo, tín dụng hộ cận nghèo, tín dụng hộ mới thoát nghèo, tín dụng học sinh sinh viên, tín dụng tạo việc làm, tín dụng vùng khó khăn, đặc biệt vùng dân tộc thiểu số và miền núi. 6 chính sách lớn này thời gian qua đã phát huy được vai trò.

Bên cạnh đó, nguồn tín dụng tiếp cận được từ Ngân hàng Chính sách xã hội với mức lãi suất ưu đãi đó là đòn bẩy thực sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giúp bà con thoát nghèo. Như vậy sẽ góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội ở vùng này.

Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội; góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước: Giai đoạn 2001 - 2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005 - 2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016 - 2021 từ 9,88% xuống 2,23%.

Hiện nay trên cả nước có bao nhiêu địa phương thực hiện trích ngân sách địa phương uỷ thác sang ngân hàng chính sách xã hội để tiếp sức cho người dân vươn lên phát triển kinh tế, thưa ông?

Qua công tác theo dõi 52 tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chúng tôi thấy tất cả các tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt những tỉnh còn khó khăn về kinh tế, chưa tự cân đối được nguồn ngân sách, còn nhận nguồn hỗ trợ từ Trung ương như Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Trà Vinh, Sóc Trăng… nhưng đã dành một nguồn ngân sách thỏa đáng cho công tác xóa đói giảm nghèo, đặc biệt cho tín dụng chính sách thông qua ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội. Đến nay, 100% các tỉnh, huyện vùng dân tộc thiểu số đã thực hiện được chính sách này. Đây là một điểm sáng trong thực hiện tín dụng chính sách thời gian vừa qua.

Tín dụng chính sách: Đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi Tín dụng chính sách là đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi

Hiện nay, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang ngân hàng chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay, đưa tổng nguồn vốn thực hiện của ngân hàng chính sách xã hội đến ngày 30/9/2023 đạt 333 nghìn tỷ đồng, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 310 nghìn tỷ đồng.

Theo ông, để hệ thống ngân hàng chính sách xã hội thực sự là cơ quan thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách của Nhà nước về hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững, chúng ta cần chú trọng những giải pháp gì, đặc biệt là vấn đề về vốn?

Câu chuyện chúng ta nhắc đến là tín dụng chính sách - đòn bẩy để đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng và người nghèo nói chung, những đối tượng yếu thế trên cả nước thoát khỏi vòng luẩn quẩn. Hơn 20 năm qua chúng ta đã thực hiện hiệu quả chính sách này, vậy giải pháp trong thời gian tới chúng ta cần phải bàn đó là câu chuyện chiến lược.

Lần đầu tiên Chính phủ đã ban hành một chiến lược về chính sách dân tộc bằng Nghị quyết số 10 của Chính phủ. Quốc hội cũng lần đầu tiên ban hành Nghị quyết 88 phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Hiến pháp 2013, điều 5 lần đầu tiên quy định khoản 4 là câu chuyện Nhà nước thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội toàn diện ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước.

Đây là điểm mới của Hiến pháp 2013 qua 10 năm thực hiện đến nay đã triển khai những vấn đề mang tính dài hơi. Quan điểm của Đảng, cụ thể là Ban Bí thư có Chỉ thị số 40 ban hành năm 2014 về việc nâng cao sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách và Kết luận số 06 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40.

Tuy nhiên, theo tôi, công tác tín dụng chính sách ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phải thực hiện căn cơ. Hiện, Việt Nam có 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững. Ba chương trình này không thể tách rời độc lập mà sẽ gắn kết ở tính nhân dân. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi là vùng không thể chia cắt. Vì thế, việc gắn kết, lồng ghép 3 chương trình mục tiêu quốc gia rất quan trọng, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Trung ương đã có Ban chỉ đạo trung ương, để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia này có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo cùng 3 bộ trưởng của 3 bộ, ngành. Các tỉnh phải do Chủ tịch là nhạc trưởng, phải thực hiện phù hợp với thực tiễn, tránh thực hiện manh mún, dàn trải.

Bên cạnh đó, phải thay đổi câu chuyện truyền thống, đó là muốn hỗ trợ được người nghèo vùng đó thì cần phải nắm lấy các doanh nghiệp, đặc biệt là mô hình hợp tác xã sản xuất theo chuỗi giá trị như thế nào để nâng cao hiệu quả; phải thổi hồn được các sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thông qua phát triển du lịch, OCOP...

Cần phải nhấn mạnh thêm, đầu tàu kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được xác định trong chương tình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo; chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, phát triển hàng hóa theo chuỗi giá trị đã cho vay đến tận các xã, doanh nghiệp trong vùng với tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia đạt tỷ lệ là được phép tiếp cận với nguồn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả thì phải có cơ chế phối hợp giữa các sở ngành liên quan, phát huy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng chung tay góp sức thực hiện công tác giảm nghèo với mục tiêu hết sức nhân văn đó là “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Ngoài ra, song song với phát triển kinh tế cần phải thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

Tín dụng chính sách xã hội là một trong những công cụ, giải pháp quan trọng của Đảng và Nhà nước trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến chuyên gia