CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Nhà đầu tư nước ngoài đang “săn” doanh nghiệp Việt

Invest Global 09:10 10/10/2020

Bất chấp tình trạng khó khăn do dịch Covid-19, Việt Nam vẫn thể hiện sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài khi dòng vốn đầu tư tương đối ổn định và các hoạt động mua cổ phần, góp vốn vẫn diễn ra sôi động. Tuy nhiên, việc gia tăng hoạt động mua bán và sáp nhập vào thời điểm này cũng đặt ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn về khả năng bị “ngoại hóa” doanh nghiệp Việt.     

Sôi động hoạt động góp vốn, mua cổ phần

Số liệu được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố mới đây cho thấy, tính đến ngày 20/9/2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 21,20 tỷ USD, bằng 81,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, đáng chú ý có 5.172 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 5,73 tỷ USD, bằng 55,1% so với cùng kỳ.

Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì được hoạt động sản xuất - kinh doanh tốt và tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam

Kết quả trên, theo Cục Đầu tư nước ngoài, tuy giảm sút so với cùng kỳ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng xét trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì vẫn tốt hơn nhiều quốc gia khác, thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì được hoạt động sản xuất - kinh doanh tốt và vẫn rất tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam.

“Hiện vẫn có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam”, Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cho hay.

Trong 9 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 9,9 tỷ USD, chiếm 46,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Đứng trước đại dịch Covid-19 vẫn còn hoành hành, không ít đối tác ngoài nước đã chủ động tìm cách hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để đôi bên cùng phát triển. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết thêm, trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.296 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 2,1 tỷ USD và 3.876 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 3,6 tỷ USD.

Thận trọng trước xu hướng “ngoại hóa” doanh nghiệp Việt

Theo đánh giá của các chuyên gia, làn sóng đầu tư nước ngoài mới đang tràn đến Việt Nam là minh chứng cho sự dịch chuyển đầu tư, được thúc đẩy bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hay dịch Covid-19 cùng với nhiều nhân tố khác.

Viện nghiên cứu Đầu tư và mua bán doanh nghiệp (CMAC) cho biết, thực tế trong 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các giao dịch mua bán và sáp nhật (M&A) đã có sự suy giảm so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên về dài hạn, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn quan tâm và tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam.

Nhiều thương vụ, trong đó, nhà đầu tư nước ngoài là bên mua vẫn tiếp tục xuất hiện, dù không nhiều như giai đoạn trước. Điển hình là các thương vụ đáng chú ý như: Nhà đầu tư Thái Lan mua lại Công ty cổ phần Bao bì Biên Hòa, Công ty cổ phần Cáp điện Thịnh Phát và Công ty cổ phần Kim loại màu và Nhựa đồng Việt (Dovina); hay như năm 2019 KEB Hana trở thành cổ đông lớn sở hữu 15% của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) bán 50% cổ phần tại Công ty Cho thuê tài chính…

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho thấy, dù bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19, vẫn có đến hàng trăm lượt nhà đầu tư Trung Quốc rót vốn vào Việt Nam qua hình thức M&A với tổng số vốn góp lên tới hàng trăm triệu USD. Giới quan sát và tư vấn đầu tư nước ngoài không lấy làm ngạc nhiên về hiện tượng nhà đầu tư Trung Quốc gia tăng thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam giữa tâm dịch bệnh này.

Theo các chuyên gia, sản xuất kinh doanh bị đình trệ do tác động của đại dịch Covid-19 dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp Việt Nam bị các nhà đầu tư nước ngoài đưa vào tầm ngắm thâu tóm nhiều hơn là khó tránh khỏi.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu hồi phục, nên họ có thể tận dụng lúc này để đi mua lại doanh nghiệp.

“Phải tránh bị mua vào ở thời điểm đáy”, ông Hoàng cảnh báo.

Trước làn sóng này, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đã kiến nghị Chính phủ tạm thời dừng việc M&A trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Đầu tư (sửa đổi) cũng đã bắt đầu tính đến các biện pháp để phòng ngừa. Dự thảo Luật đã đưa ra các điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài khi tiếp cận một số ngành nghề, lĩnh vực. Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm công bố danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, đề xuất này đã nhận nhiều ý kiến phản đối của một số chuyên gia kinh tế. GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI lại cho rằng, đây là xu thế phát triển mới, Việt Nam cần cởi mở để đón nhận.

“Chúng ta đang mong chờ làn sóng nhà đầu tư dịch chuyển sang đầu tư, thì không thể bảo tạm ngưng M&A được. Không thể một mình một chợ”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói và lý giải, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19, nếu được nhà đầu tư nước ngoài “bơm” vốn thì cũng là tín hiệu tốt.

Tin tức khởi nghiệp