CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Startup gia sư trực tuyến gọi vốn thành công 750 triệu đô la Mỹ

Invest Global 14:34 01/07/2020

(TBKTSG Online) - Startup (công ty khởi nghiệp) gia sư trực tuyến Zuoyebang ở Bắc Kinh, Trung Quốc  vừa gọi vốn thành công 750 triệu đô la Mỹ giữa lúc cuộc khủng hoảng sức khỏe do dịch Covid-19 giúp các startup giáo dục trực tuyến trở thành các thỏi nam châm thu hút giới đầu tư.

Theo thông báo của Zuoyebang hôm 29-6, công ty này đã nhận được các cam kết rót vốn góp tổng cộng 750 triệu đô la Mỹ trong vòng gọi vốn series E do hai nhà đầu tư Tiger Global Management (Mỹ) và FountainVest Partners (Hồng Kông) dẫn đầu.

Các nhà đầu tư khác tham gia trong đợt gọi vốn này gồm Qatar Investment Authority, Sequoia Capital China, Tiantu Capital, Xiang He Capital và Quỹ Tầm nhìn của SoftBank.

Hou Jianbin, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Zuoyebang, cho hay sẽ sử dụng nguồn vốn mới để phát triển các khóa học và sản phẩm giáo dục mới cũng như thăm dò các mô hình kinh doanh mới.

Zuoyebang, được  thành lập vào năm 2014, đang cung cấp các khóa học trực tuyến và các bài giảng phát sóng trực tiếp cho học sinh từ cấp mẫu giáo đến 12. Zuoyebang cũng hỗ trợ học sinh làm bài tập theo dạng hỏi đáp. Người dùng chỉ cần chụp nội dung câu hỏi bài tập và gửi cho Zuoyebang. Startup này sử dụng công nghệ thị giác máy tính để đọc các câu hỏi từ hình ảnh, rồi nhanh chóng đưa ra câu trả lời dựa trên kết quả phân tích của công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Hou Jianbin, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Zuoyebang. Ảnh: China Daily

Cho đến nay, nền tảng Zuoyebang đã có 800 triệu người đăng ký sử dụng, trong đó, 12 triệu người trả phí. Trung bình mỗi ngày, có 50 triệu người dùng các dịch vụ của Zuoyebang.

Công ty này cho biết người dùng trả tiền ở các khóa học phát sóng trực tiếp tăng gấp 10 lần trong hai năm qua. Gần đây, Masayoshi Son, Chủ tịch SoftBank, ca ngợi Zuoyebang là một trong 88 công ty thuộc danh mục đầu tư của Quỹ Tầm nhìn vẫn tăng trưởng trong thời kỳ dịch bệnh.

Kể từ lúc thành lập đến nay, Zuoyebang đã huy động được tổng cộng 1,33 tỉ đô la Mỹ và đang được định giá khoảng 7,3 tỉ đô la Mỹ.

Zuoyebang đang cạnh tranh với hàng loạt startup giáo dục trực tuyến, đáng chú ý là Yuanfudao, nền tảng cung cấp khóa học trực tuyến lớn nhất cho học sinh cấp 2 và cấp 3 ở Trung Quốc. Trong vòng gọi vốn hồi tháng 3, với mức định giá 7,8 tỉ đô la Mỹ, Yuanfudao đã huy động được 1 tỉ đô la Mỹ từ Hillhouse Capital, Tencent và các nhà đầu tư khác.

Vòng gọi vốn của Zuoyebang diễn ra giữa cơn bùng nổ của ngành công nghiệp giáo dục trực tuyến Trung Quốc bắt đầu hồi đầu năm nay khi dịch Covid-19 lan rộng ở Trung Quốc, khiến giới chức trách yêu cầu học sinh ở nhà và tiếp thu kiến thức qua các nền tảng học hành trực tuyến.

Hồi tháng 2, Trung Quốc ra mắt nền tảng học hành trực tuyến quốc gia, cung cấp các lớp học phát sóng qua truyền hình dành cho học sinh tiểu học và một hệ thống điện toán đám mây để chia sẻ tài liệu học tập với học sinh cấp 2 và cấp 3. Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, nền tảng này sẽ giúp 180 triệu học sinh Trung Quốc duy trì học tập dù lớp học đóng cửa.

Đại dịch Covid-19 cũng nâng cao ý thức của mọi người về học hành trực tuyến, giúp các startup giáo dục trực tuyến ở Trung Quốc tiết kiệm hàng trăm triệu đô la chi phí quảng cáo.

Theo Công ty nghiên cứu iResearch, thị trường giáo dục trực tuyến Trung Quốc có thể đạt giá trị 81 tỉ đô la Mỹ trong hai năm tới,

Frank Hu, đối tác quản lý ở ngân hàng đầu tư Taihecap, nhận định: “Tại Trung Quốc, cơn bùng nổ đầu tư cho giáo dục trực tuyến, đặc biệt là các khóa học phát sóng trực tiếp trong giai đoạn 2019-2020 chẳng thua kém cơn bùng nổ đầu tư trong lĩnh vực gọi xe và thanh toán di động vào năm 2014 và trong lĩnh vực chia sẻ video ngắn vào năm 2017”.

Gloria Tam, một lãnh đạo của tổ chức đổi mới giáo dục Minerva Project, ở San Francisco (Mỹ), cho rằng đại dịch Covid-19 trở thành chất xúc tác để các tổ chức giáo dục trên toàn cầu tìm kiếm các giải pháp sáng tạo. Bà nói: “Với công nghệ 5G đang dần phổ biến ở các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, chúng ta sẽ chứng kiến người học và các nhà cung cấp giải pháp giáo dục thực sự đón nhận khái niệm ‘học mọi lúc, mọi nơi’ của nền giáo dục số hóa theo nhiều hình thức”

TechCrunch, Caixin, SCMP

Tin tức khởi nghiệp