CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Thị trường M&A vẫn đang ‘âm ỉ’, chờ bứt tốc

Invest Global 10:20 16/06/2020

Nhiều quỹ đầu tư vẫn rất “rủng rỉnh” tiền để sẵn sàng đầu tư, tìm cơ hội cho sự phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, trong năm nay, các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) mới chỉ dừng lại ở giai đoạn đàm phán và sẽ bứt tốc vào năm 2021.

 Tại báo cáo của Diễn đàn M&A 2019, nhóm nghiên cứu đã nhận định  thị trường M&A đang bắt đầu có xu hướng đi chậm lại, không dễ đạt mốc kỷ lục 10 tỷ USD được xác lập năm 2018. Tuy nhiên, từ năm 2019, thị trường này đã xuất hiện những "điểm sáng", đặc biệt giai đoạn cuối năm 2019 đầu 2020 sẽ chứng kiến những thương vụ M&A lớn, thuộc về các tập đoàn tư nhân. Đây là những doanh nghiệp (DN) tiên phong trong việc chủ động tìm kiếm các cơ hội M&A mới, cũng như tiến hành sắp xếp, tái cấu trúc DN của mình.

Dẫu vậy, nhìn nhận về thị trường M&A trong bối cảnh hiện nay, ông Đặng Xuân Minh, đại diện Viện Nghiên cứu Đầu tư và Mua bán doanh nghiệp (CMAC), đồng sáng lập Diễn đàn M&A Việt Nam cho rằng, do tác động của dịch Covid-19, các thương vụ M&A trong năm nay sẽ ở quy mô vừa và nhỏ, phải đến năm 2021, thị trường mới chứng kiến nhiều thành quả hơn.

Ông nhìn nhận như thế nào về tác động của dịch Covid-19 tới các hoạt động M&A tại thị trường Việt Nam?

- Đại dịch Covid-19 sẽ là nguyên nhân chính tác động đến hoạt động M&A trong năm nay và có thể là nửa đầu năm 2021.

Một số chuyên gia kinh tế đã dự báo đến làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam hậu Covid-19. Tuy nhiên, theo tôi thì vẫn cần theo dõi động thái cụ thể mới có thể đưa ra kết luận chính xác về làn sóng này.

Làn sóng dịch chuyển đầu tư mới vào Việt Nam nếu diễn ra thì rất tốt cho kinh tế Việt Nam nói chung và các hoạt động đầu tư gián tiếp nói riêng. Các hoạt động đầu tư gián tiếp, đầu tư chiến lược cũng có thể gia tăng như là hệ quả của làn sóng đầu tư trực tiếp.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều DN nhỏ gặp khó khăn muốn bán mình, nhưng bản thân các DN lớn cũng gặp khó khăn nên phải dành nguồn lực để tái cấu trúc DN.

Vì vậy, tôi cho rằng, nửa cuối năm vẫn xuất hiện các thương vụ M&A nhưng ở quy mô vừa và nhỏ. Những lĩnh vực được dự báo tiếp tục thu hút vốn là bán lẻ, sản xuất hàng tiêu dùng, tài chính ngân hàng.

Thực tế, về cơ bản Việt Nam vẫn là một thị trường nhỏ. Vì vậy, nếu xuất hiện một thương vụ lớn thì sẽ góp phần quan trọng đẩy giá trị M&A tại thị trường lên cao hơn. Tuy nhiên, Covid-19 sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến toàn bộ quá trình thực hiện, triển khai và hoàn tất giao dịch mua bán chuyển nhượng. Chẳng hạn, dù giá có thể sẽ rẻ hơn nhưng thủ tục và điều kiện thực hiện không phải dễ dàng.

Có thể phải sang đến năm 2021, chúng ta mới được chứng kiến nhiều hơn kết quả của các nỗ lực mà nhà đầu tư, DN và nhà tư vấn đang thực hiện trong giai đoạn hiện nay.

Hiện nay có một số lo ngại dịch bệnh đang làm "sức khoẻ" DN nội suy yếu, nên DN nước ngoài sẽ tận dụng cơ hội này để "thâu tóm" DN nội với giá rẻ?

- Thực tế, nhiều DN lớn tại Việt Nam vẫn thuộc sở hữu hoàn toàn, hoặc có tỷ lệ sở hữu cổ phần lớn của Nhà nước, điển hình như Vinamilk, Habeco, MobiFone, Vietcombank, BIDV… Vì vậy, không dễ để thâu tóm các DN này, vì cổ đông lớn nhà nước chưa có động thái thoái vốn. Dù vậy, tôi nhất trí với một số chuyên gia cho rằng trong bối cảnh DN nội gặp khó khăn, nguy cơ phá sản vì dịch bệnh, một số công ty, quỹ đầu tư nước ngoài đang xem xét mua lại DN bất động sản, bán lẻ...

Tuy nhiên, việc góp vốn, mua cổ phần tại DN là bình thường, nên để diễn ra tự nhiên theo quy luật thị trường.

Ở góc độ thoái vốn DN nhà nước, cơ quan quản lý có thể xem xét kỹ thời điểm tổ chức đấu giá hoặc chào bán, do các cuộc đấu giá thoái vốn nhà nước trong giai đoạn này có thể không đạt mục tiêu về giá, về đối tác chiến lược như kỳ vọng.

Theo ông, cần có giải pháp nào để thúc đẩy và tăng hiệu quả cho các hoạt động M&A trong nửa cuối năm nay và những năm tới?

- Những biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ sẽ là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế nói chung và các hoạt động đầu tư cũng như M&A nói riêng. Các DN và nhà đầu tư khi tin tưởng vào tương lai của nền kinh tế sẽ tìm kiếm và thực hiện các cơ hội đầu tư, bao gồm đầu tư mới và M&A.

Bên cạnh những biện pháp kích thích kinh tế thì việc hoàn thiện các cơ sở pháp lý cho các hoạt động M&A, tạo điều kiện cho DN hợp nhất, sáp nhập với mục đích tái cấu trúc cũng sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động M&A của các DN và nhà đầu tư.

Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh việc tái cơ cấu DN nhà nước, bao gồm cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo lộ trình sẽ góp phần tạo nguồn cho các thương vụ M&A vào Việt nam. Các cơ quan chức năng cần khuyến khích và có biện pháp đối với việc các DN nhà nước cần thực hiện công bố thông tin, minh bạch thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận thông tin của nhà đầu tư.

Thanh Hoa ghi

Tin tức khởi nghiệp