CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

TPHCM có ứng dụng gọi xe thuần Việt viApp

Invest Global 09:52 09/10/2020

(TBKTSG Online) – Hôm nay (8-10), công ty cổ phần phát triển ứng dụng Viservice ra mắt ứng dụng di động cung cấp dịch vụ gọi xe mang tên viApp tại TPHCM. Điểm khác biệt của viApp là tính năng đồng hồ điện tử cho phép các tài xế có quyền đón khách như các taxi truyền thống và tính tiền dựa trên số km di chuyển thực tế của hành khách.

Người dùng viApp có thể lựa chọn phương án thanh toán bằng tiền mặt, thông qua viPay hoặc thông qua ví điện tử Momo. Ảnh: Viservice cung cấp

Ứng dụng này do các lập trình viên Việt Nam phát triển, đã được Bộ Công Thương cấp phép hoạt động chính thức như các ứng dụng gọi xe công nghệ khác đang có mặt trên thị trường. viApp cung cấp hai dịch vụ gọi xe ô tô (bao gồm cả taxi, xe hợp đồng, xe tải) và xe máy. viApp hiện đã có mặt trên Google Play và App Store.

Theo bà Bùi Thị Hải Yến, Tổng giám đốc Viservice, bên cạnh phương thức đặt xe theo giá cước cố định, đặt xe theo lộ trình di chuyển được báo giá trước, người dùng có thể lựa chọn phương thức tính cước phí dựa trên đồng hồ điện tử theo đúng chuẩn Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Luật Giao thông đường bộ. Với tính năng đồng hồ điện tử, viApp cho phép các tài xế có quyền đón khách như các taxi truyền thống và tính tiền dựa trên số km di chuyển thực tế của khách hàng.

Cũng theo bà Yến, viApp có tính năng đặt xe "một chạm", tức hành khách chỉ cần chạm một lần trên màn hình ứng dụng là hoàn tất thao tác đặt xe. Đối với những khách hàng muốn đặt xe trực tiếp với tài xế, chỉ cần quét QR Code với xe các tài xế có sử dụng viDriver để lấy thông tin di chuyển. Tài xế sẽ sử dụng tính năng đồng hồ điện tử như taxi truyền thống, chỉ áp dụng với phương thức thanh toán bằng tiền mặt.

Ngoài ra, bên cạnh tính năng đặt xe có điểm đến với lộ trình và giá tiền được thông báo trước, viApp cung cấp thêm tính năng đặt xe không có điểm đến. Với tính năng mới này, khách hàng sẽ chi trả số tiền dựa trên quãng đường di chuyển thực tế, thông qua đồng hồ điện tử tương đồng như sử dụng xe taxi truyền thống.

Người dùng viApp có thể lựa chọn phương thức thanh toán bằng tiền mặt, thông qua viPay hoặc thông qua ví điện tử Momo.

Điểm khác biệt, theo bà Hải Yến là viApp sử dụng bản đồ riêng do công ty cung cấp. Điều này giúp cho việc quản lý lộ trình di chuyển trở nên dễ dàng hơn.

Vốn đầu tư của ứng dụng này sẽ được tiết lộ sau ba tháng ra mắt. Sau TPHCM, nhóm sáng lập dự kiến sẽ ứng dụng viApp tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Thực tế, thị trường xe công nghệ tại Việt Nam vẫn là miếng bánh ngon dành cho các doanh nghiệp. 

Sau khi Grab gia nhập thị trường Việt Nam năm 2014 và thâu tóm Uber vào 2018 thì thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam từ 2018 sôi động với  một số cái tên như GoViet (đã đổi tên thành Gojek từ tháng 8 năm nay), be, FastGo, Vato, Aber, MyGo, MLV, Go-ixe, Xelo.... Hiện nay, sau hai năm, nhiều cái tên trong số này đã trở nên mờ nhạt, thậm chí biến mất. Thị trường xe công nghệ hiện do hai công ty nước ngoài là Grab và Gojek chiếm lĩnh. 

Tuy nhiên, sự cạnh tranh cũng gay gắt không kém, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Khó khăn không chỉ tại Việt Nam mà là tình hình chung của các công ty này tại các quốc gia có mặt. Họ đều đang nỗ lực vượt khó bằng cách cắt giảm nhân sự và điều chỉnh phạm vi hoạt động. Chẳng hạn như hãng Gojek hồi tháng 6 thông báo cắt giảm 430 nhân viên (tương đương 9% nhân sự). Ngoài ra, công ty cho biết sẽ ưu tiên 3 mảng cốt lõi là gọi xe, thanh toán và giao đồ ăn. 

Grab cũng không tránh tác động tiêu cực từ dịch Covid-19. Công ty có trụ sở ở Singapore này cũng buộc phải sa thải 360 nhân viên hồi tháng 6, đồng thời hủy bỏ những dự án không quan trọng trong lúc tập trung cho mảng giao hàng để đáp ứng nhu cầu gia tăng

Lý giải nguyên nhân ra mắt tại thời điểm khó khăn này, bà Hải Yến cho biết, thị trường vẫn còn tiềm năng, nhu cầu của người tiêu dùng còn cao và Viservice tự tin vào thế mạnh công nghệ quản lý đồng hồ điện tử chưa có trên các ứng dụng khác, đơn giản dễ sử dụng cho cả tài xế và người dùng. Và với công nghệ này viApp đặt tham vọng muốn chiếm 20% thị phần ứng dụng gọi xe với khách đặt xe qua ứng dụng. 

Tin tức khởi nghiệp